Vào ngày cưới, nhà gái sẽ tóm lấy ngựa của chú rể, rồi quất vào mông để nó chạy đi nhằm trì hoãn chàng rể về nhà vì anh ta sẽ phải mất một thời gian đi kiếm nó.
Một đám cưới ở Mông Cổ là thời điểm trai gái trong làng hòa mình vào không khí tươi vui, mặc dù vậy những nghi thức ở đây vẫn mang nặng hình ảnh của bộ lạc. Thông thường, đám cưới ở Mông Cổ thường trải qua bốn giai đoạn gồm nghi lễ Quà đính ước, Thách thức sức mạnh chàng rể, Chạy đua đến đám cưới và cưới chính thức.
Cô dâu chú rể trong đám cưới Mông Cổ. Dù thủ tục hơi rườm rà nhưng đám cưới luôn là sự kiện thiêng liêng. Ảnh: Flickeflu
Trước lễ cưới:
Nghi thức Quà đính ước: Khi một chàng trai trẻ người Mông Cổ cảm mến một cô gái và muốn cưới về làm vợ, anh ta sẽ nhờ đến người mai mối đem đến chỗ cô gái ấy đường, lá trà và cổ chân ngựa. Tất cả được gói cẩn thận trong một chiếc khăn tay màu trắng, biểu tượng cho sự hòa hợp, ẩm ướt và thịnh vượng.
Nếu những lễ vật đó được chấp nhận, điều đó đồng nghĩa với việc gia đình cô gái cũng tán thành cho sự kết đôi. Sau đó, chàng trai cùng gia đình sẽ tiếp tục mang quà đến nhà gái gồm khăn quàng cổ truyền thống, sữa và đường khối để cầu hôn. Thủ tục này sẽ diễn ra nhiều lần thì cặp đôi mới chính thức đính ước.
Sau khi nhà gái chấp nhận quà đính ước, chàng rể sẽ đem rượu đến nhà gái 3 lần. Chỉ khi nhà gái nhận hết 3 lần rượu thì hôn nhân mới được định ngày. Khi ngày cưới cận kề, chú rể sẽ mang sính lễ lần cuối đến nhà cô dâu gồm một con cừu đã được nấu chín, rượu, lá trà và khăn choàng. Lúc này gia đình nhà gái sẽ mua vui cho chàng trai và hai bên sưởi ấm cho nhau, đồng thời hát đối để ăn mừng lễ cưới sắp tới.
Nghi thức Thách thức sức mạnh chàng rể: Khi chú rể và gia đình đến nhà gái để chuẩn bị hộ tống cô dâu, họ sẽ được đối đãi như những vị khách quý. Tại nhà cô dâu, mọi người lúc này sẽ ăn uống linh đình, nhảy múa và ca hát. Một người được nhà gái giao nhiệm vụ chuyển lời sẽ bí mật rời bữa tiệc và đưa chú rể đến phòng cô dâu. Tại đây, các phù dâu sẽ đem ra một cái đầu cừu đã nấu chín và ở giữa được xiên bằng gỗ liễu hoặc sắt, để thách thức chàng trai bẻ bằng tay không. Nếu may mắn được được ai đó mách lẻo trước, anh ta có thể phát hiện ra trò đùa này, lấy thanh gỗ ở giữa ra và dễ dàng đáp ứng lời thách thức. Còn nếu không biết, chàng rể sẽ bị mất mặt, trở thành trò đùa của các phù dâu.
Ngày trọng đại:
Nghi thức Chạy đua đến lễ cưới: Vào ngày diễn ra đám cưới, hai bên nhà trai và nhà gái sẽ tiến hành cuộc ganh đua khá ầm ĩ để đến nhà chú rể – nơi diễn ra lễ cưới. Họ sẽ xem thử ai đến nơi tổ chức đám cưới trước tiên. Để chiến thắng, những người bên nhà gái sẽ tóm lấy ngựa của chú rể rồi quất vào mông để nó chạy mất nhằm trì hoãn chàng rể vì anh ta sẽ phải mất một thời gian đi kiếm nó. Chàng rể cũng lường trước được sự việc, anh ấy có thể chuẩn bị sẵn một bữa yến tiệc đâu đó gần nhà, để người nhà gái khi nhìn thấy sẽ buộc phải dừng lại và tham dự, cho chú rể có thời gian chạy về nhà trước.
Nghi thức Cưới chính thức: Khi cô dâu đến nhà chú rể vào ngày cưới, hai người sẽ cùng nhau giết chết một con gà để tìm kiếm dấu hiệu may mắn trong gan của nó. Sau đó, cặp đôi tham dự một buổi lễ, ở đó sẽ có một vại rượu có bôi bơ trên miệng được đặt trước mặt. Cô dâu sẽ uống một ít trong chén của mình và uống tiếp trong chén của chú rể. Tương tự, chú rể cũng sẽ uống một ít trong chén của cô dâu. Khi nghi lễ đám cưới kết thúc, cô dâu và chú rể sẽ tiếp đón bà mối và khách khứa. Mọi người hai bên gia đình cùng khách uống rượu chia vui, hát hò và nhảy múa đến nửa đêm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét